Mối quan hệ hữu nghị Việt – Nga tiếp tục được củng cố thông qua hoạt động giáo dục đào tạo giữa Trường Đại học Bình Dương và Trường Đại học Bách khoa St. Petersburg

Thứ ba - 16/11/2021 23:28

Người kiến tạo và đặt nền móng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nga chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

4023 fff 14 42 15 169

Chủ tịch Hồ Chí Minh người kiến tạo và đặt nền móng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nga (Ảnh tư liệu)

Ngày 10/3/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết quốc thư, cử ông Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô. Tháng 7/1955, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ sang thăm Liên Xô nhằm củng cố tình đoàn kết hữu nghị, tăng cường mối quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước.

Trong những năm tháng cam go nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ từ những tình cảm nồng thắm và sự giúp đỡ hào hiệp, chí tình của nhân dân Liên Xô. Không chỉ giúp đỡ về tiền bạc, hiện vật, các chuyên gia Liên Xô còn sang tận nơi giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều công trình do Liên Xô giúp xây dựng đã gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam, đến nay vẫn phát huy hiệu quả tích cực (như Trường Đại học Bách khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô). Hàng chục ngàn cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành những cán bộ chủ chốt, những chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực.

Sau năm 1991, quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được coi trọng và phát triển. Hàng loạt những sự kiện thể hiện sự phát triển mới trong quan hệ của hai quốc gia. Năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức nước Nga. Tại chuyến thăm vào năm 1998 của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định: Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á.

Mối quan hệ Việt - Nga thế kỷ XXI đã được chính thức hóa bằng việc ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược nhân dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam (28/02 đến 02/3/2001). Việt Nam và Liên bang Nga đã ký hơn 30 văn kiện cấp Nhà nước và Chính phủ, một cơ sở pháp lý đồ sộ cho sự phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trong giai đoạn mới. Tháng 7/2012, chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Nga ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực.

Screenshot 2021 10 13 121638

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC (Ảnh: TTXVN)

Chỉ trong ba năm 2017 - 2019, hai nước đã tiến hành 7 chuyến thăm lẫn nhau ở cấp cao nhất: Nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nga vào tháng 6/2017; Tổng thống V. Putin dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào năm 2017 và có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga (tháng 9/2018); Thủ tướng D. Medvedev thăm Việt Nam (tháng 11/2018); Chủ tịch Duma Quốc gia Nga V. Volodin thăm Việt Nam tháng 12/2018 (trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai nước đã thành lập Ủy ban liên nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Nga); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga vào tháng 5/2019; Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân lần đầu tiên thăm Nga trên cương vị Chủ tịch Quốc hội (tháng 12/2019).

HINH DAC BIET

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chứng kiến lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Bình Dương và Trường Đại học Saint Petersburg

Trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, điểm sáng nổi bật của sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Nga có thể kể đến là chuyến thăm thành phố St. Petersburg của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam năm 2008. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Ðại học Bách khoa St. Petersburg (SPbPU) và Trường Ðại học Bình Dương (BDU). Chủ tịch nước nhấn mạnh, giáo dục - đào tạo là một chủ đề được đề cập rất sâu sắc trong buổi hội đàm giữa Chủ tịch nước và Tổng thống Nga D.Medvedev. Chủ tịch nước chúc Trường Ðại học Bách khoa St. Petersburg hợp tác hiệu quả với Trường Ðại học Bình Dương, nghiên cứu mở rộng hợp tác với các trường đại học khác của Việt Nam và mở chi nhánh đào tạo tại Việt Nam.

Tiếp nối quan hệ truyền thống của Trường Đại học Bình Dương với Trường Đại học Bách khoa St. Petersburg, trong chuyến viếng thăm kéo dài gần 01 tuần tại SPbPU từ ngày 13/12 đến ngày 21/12/2017, TS. Cao Việt Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương, thông qua các buổi tiếp xúc, trò chuyện giữa Lãnh đạo của hai trường thống nhất sẽ tiếp tục phát triển, thúc đẩy các chương trình nghiên cứu khoa học về công nghệ nano, lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và năng lượng…

BDU 2 3

TS. Cao việt Hiếu (thứ 5, từ trái sang) - Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương cùng Ngài A. I. Rudskoi (thứ 4, từ phải sang) – Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa St. Petersburg trao đổi và thống nhất phương hướng hợp tác giữa 2 đơn vị

Tình hữu nghị Việt – Nga được vun đắp không chỉ ở sự đồng điệu về tâm hồn, tình cảm mà còn ở sự mạnh mẽ, bản lĩnh kiên cường và khả năng, ý chí vượt qua những khó khăn thách thức nghiệt ngã để tiến về phía trước. Với chặng đường 70 năm quan hệ hữu nghị Việt – Nga, 15 năm hợp tác giữa Trường Đại học Bình Dương và Trường Đại học Bách khoa St. Petersburg, chúng ta tin rằng sẽ có nhiều thành tựu tốt đẹp hơn nữa từ sự hợp tác của hai đơn vị trong tương lai./.

Ban Biên tập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây